Ở hai huyện miền núi An Lão, Hoài Ân người dân thường gọi cá niên là cá "đại gia" bởi cái giá "trên trời" của nó so với mức thu nhập hạn chế của người miền núi.
Cá niên thường sống ở thác, ghềnh, suối trên vùng cao. Ở Bình Định, chỉ huyện An Lão, Hoài Ân là nơi có thể câu được cá niên, nhiều nhất là An Lão. Cá niên thường xuất hiện vào mùa hè. Do chỉ sống trong dòng nước chảy xiết nên việc câu được loại này là vô cùng khó, vả lại loài cá này cũng rất ít.
Người câu phải đứng giữa dòng nước chảy rồi cầm cần câu kéo lui kéo tới liên hồi theo dòng nước mới mong được có vài con. Dẫu vậy, con to nhất cũng chỉ chừng hai ngón tay ghép lại. Mồi để câu cá niên thường được dùng là con bọ gậy, người đi câu về mà rọ cá trống rỗng là chuyện thường. Vì thế, dù thi thoảng mới lọt về thành thị để trở thành món ăn đặc sản nhưng một kg loại cá này được bán với giá khoảng 150.000 đồng tại địa phương.
Với cái giá "trên trời" so với mức thu nhập của người miền núi, nhiều thực khách từ xa tới thường lầm tưởng việc chế biến loại cá này khá công phu. Tuy nhiên khi nghe được cách chế biến cá niên thì ai cũng ngạc nhiên bởi nó quá đơn giản. Cá được câu về, rửa sạch, rồi sau đó cho nguyên con vào nẹp và nướng chín, không cần bỏ đi bộ phận nào của cá.
Cá niên nướng xong, chấm với muối vắt chanh, ớt xanh, vài lát cà chua kẹp rau thơm. Cá càng nhỏ, ăn càng tuyệt. Theo những vị sành ăn cá niên, ngon nhất của cá này là bộ ruột với vị đăng đắng, thanh thanh của mật cá, khá lôi cuốn người ăn, còn thịt cá thì không thua gì những món cá đặc sản khác. Nhiều thực khách là fan của món ăn này cho rằng, ngoài vị rất riêng của thịt cá, mật cá niên còn có tác dụng khá hữu hiệu trong chuyện chăn gối. Đúng sai thế nào, thử mới biết!
(TNO)